Wednesday 2 March 2011

6 kỹ năng giới thiệu để biến người nghe thành khách hàng



Nếu muốn giành được tình cảm của người nghe và biến họ thành khách hàng của mình, bạn phải biết thốt ra “những lời có cánh” để thu hút sự chú ý của họ. Công việc này không dễ dàng chút nào, bởi nó đòi hỏi ở bạn một số kỹ năng và kiến thức nhất định.

Trình bày và giới thiệu là cách thức để bạn truyền đạt thông tin tới người nghe. Trong hoạt động tiếp thị và bán hàng, việc này đóng vai trò rất quan trọng. Lúc đầu, mọi người ghé qua công ty bạn chỉ để “xem cho biết” các sản phẩm/dịch vụ mà bạn đang cung cấp, nhưng rồi trước sức thuyết phục của những lời giới thiệu, họ quyết định mua hàng ngay. Thật tuyệt! Chắc bạn cũng muốn mình có được những kỹ năng như vậy phải không? Mời bạn tham khảo 6 lời khuyên dưới đây để điều chỉnh các kỹ năng trình bày, giới thiệu của mình:

1. Phù hợp với nhu cầu của người nghe

Cách nhanh nhất để khiến người nghe bỏ đi là bạn chỉ toàn nói về những điều mà bản thân bạn muốn nghe. Đúng là như vậy đấy! Và nếu bạn muốn thu hút các khách hàng tiềm năng, bạn phải biết nói ra những điều mà họ muốn nghe. Các chuyên gia tiếp thị cho rằng phần lớn mọi người đều thuộc một trong bốn nhóm sau:

- Lãnh đạo: Đó là những người luôn bận rộn, vì thế họ muốn bạn bắt đầu và kết thúc đúng giờ, đồng thời họ chỉ quan tâm đến những vấn đề chính yếu.

- Cảm tính. Đó là những người thiên về tình cảm, Họ bị thuyết phục bởi những cảm giác chứ không phải những lý lẽ logic.

- Hoà đồng. Đó là những người thích giao tiếp. Thật khó để giữ họ ngồi yên một chỗ.

- Lý trí. Đó là những người thích tranh luận và có đầu óc thực tế.

Vậy bạn cần phải xác định những người đang nghe bạn nói thuộc nhóm nào để từ đó đưa ra những lời giới thiệu phù hợp. Trong trường hợp người nghe thuộc nhiều nhóm khác nhau, hãy tìm xem ai là người có ảnh hưởng quyết định để tập trung tác động vào họ.

2. Làm mê hoặc người nghe

Một số người có năng khiếu bẩm sinh trong việc thuyết phục người khác. Họ có thể mê hoặc chúng ta bằng động tác, cử chỉ hoặc lời nói. Tuy nhiên, bạn cũng có thể rèn luyện được những kỹ năng này. Muốn vậy, trước tiên bạn hãy tạo cho mình:

- Vẻ bề ngoài lịch sự, vì điều đó thể hiện rằng bạn đang tôn trọng người nghe.

- Luôn vui vẻ, mềm mỏng, hòa nhã.

- Chiều theo ý muốn của người nghe. Lưu ý, “Đừng đánh giá quá thấp hoặc quá cao trí thông minh cũng như học thức của họ”. (C.P.Scott)

- Tìm hiểu đủ thông tin về những người đang nghe bạn nói nhằm trình bày, giới thiệu phù hợp với yêu cầu của họ.

- Những lời đề cao lịch sự: “Như một chuyên gia nhiều kinh nghiệm, chắc anh/chị biết rằng...”

- Tỏ ra sẵn lòng giúp đỡ họ.

3. Tranh thủ sự chú ý của người nghe

Bạn hãy hình dung người nghe của mình có thể có những thái độ khác nhau như thích thú, trung lập và hờ hững. Người nghe phản ứng ra sao sẽ phụ thuộc vào việc bạn tranh thủ được sự chú ý của họ tới mức độ nào.

Nguyên tắc AIDA là một công cụ đắc lực giúp bạn đạt được mục đích này. Hãy làm sao cho bài giới thiệu của bạn hội đủ các yếu tố sau:

- A: Attention (Chú ý) - tạo ra sự chú ý,

- I: Interest (Quan tâm) - tạo ra sự quan tâm,

- D: Desire (Ham muốn) – tạo ra sự ham muốn,

- A: Action (Hành động)– dẫn đến hành động mua hàng.

Để đảm bảo rằng không thính giả nào “bỏ ngoài tai” những điều bạn nói, thỉnh thoảng hãy dừng lại và hỏi: “Liệu những điều tôi nói có hữu ích với các bạn không?”.

4. Níu giữ sự quan tâm chú ý của người nghe trong suốt thời gian nói chuyện

Làm cho mọi người quan tâm đến điều mình nói đã khó và để giữ được sự quan tâm đó trong suốt bài nói chuyện còn khó hơn nhiều.

Vì thế, bạn phải nỗ lực chiến đấu để chống lại sự buồn tẻ bằng lối nói chuyện hài hước, song có chừng mực, và luôn cố gắng nhận thức được những vấn đề người nghe quan tâm để đáp ứng mong muốn của họ.

5. Dẫn dắt người nghe

Hãy theo sát người nghe để dẫn dắt họ vào bài giới thiệu của mình, hãy lôi kéo họ bằng cách liên tục đưa ra các câu hỏi và lắng nghe ý kiến phản hồi. Đừng tự biến mình thành “nhà hùng biện” chỉ biết “thao thao bất tuyệt”, mà phải tuân thủ các quy tắc sau:

- Đi đến gần vị trí của người nghe. Minh họa cho bài trình bày của mình bằng những chủ đề quen thuộc với họ, giảm thiểu những chủ đề mới mẻ, không phù hợp.

- Đề phòng và kịp thời nhận ra những dấu hiệu thể hiện rằng bạn không còn thu hút được sự chú ý nữa, chẳng hạn như người nghe thì thầm chuyện riêng, tỏ ra bồn chồn hay ngáp ngủ.

- Sử dụng từ “chúng ta” hơn là từ “bạn” (“Chúng ta có 5 phút để ... Chúng ta hãy bắt đầu với ...”).

- Tìm kiếm điểm chung giữa bạn và người nghe (“Cũng như bạn, tôi đã đi du lịch rất nhiều, vì vậy tôi hiểu được...).

- Luôn lắng nghe những gì họ nói, kể cả trước khi bạn bắt đầu, trong suốt thời gian và sau khi bạn trình bày giới thiệu. Người biết cách trình bày sẽ không chỉ truyền đạt đầy đủ thông tin cần thiết tới người nghe, mà còn biết lắng nghe những ý kiến phản hồi. Bằng việc lắng nghe, bạn sẽ biết được thính giả của mình có hiểu được những thông tin mà minh đang nói hay không; những thông tin đó có quan trọng và cần thiết với họ hay không.

6. Hãy tự tin

Và cuối cùng điều quan trọng nhất là bạn phải tự tin. Nếu bạn mất bình tĩnh, người nghe sẽ có cảm giác rằng, chính bạn cũng không tin vào những gì mình đang nói. Vậy thì chẳng có lý do gì để họ phải nghe theo bạn. Hãy trình bày với giọng nói lạc quan, tin cậy. Điều này hàm chứa thông điệp: “Tôi có lợi và bạn cũng vậy. Chúng ta giúp đỡ nhau để cùng chiến thắng”. Những người tự tin luôn chuẩn bị mọi việc kỹ lưỡng, nhưng không quá nhiều để đến nỗi đánh mất sự tự nhiên của chính mình. Họ luôn biết tự phê bình, và quan tâm đến ấn tượng họ đang tạo ra, bởi vì họ thấy bản thân họ hoàn toàn có năng lực, được chấp nhận, và những gì mình nói được người khác yêu thích.

Nếu bạn tiếp thu và thực hành tốt 6 kỹ năng trên, bạn có thể “sai khiến” bất kỳ người nghe nào làm những điều mà bạn mong muốn. Bạn làm thử xem, và sẽ thấy kết quả sẽ vô cùng kỳ diệu!


Dịch từ Customer service manager

Tuesday 1 March 2011

NGÔN NGỮ CƠ THỂ VÀ CUỘC PHỎNG VẤN

Bạn sắp tham dự một cuộc phỏng vấn xin việc và bạn cần phải tận dụng mọi lợi thế để có thể được nhận vào làm việc. Bạn phải làm gì đây?

Những bài nghiên cứu gần đây cho thấy 10 phút đầu của cuộc phỏng vấn quyết định thái độ của nhà tuyển dụng đối với bạn. Những ấn tượng của nhà tuyển dụng với bạn không chỉ phụ thuộc vào những lời nói của bạn mà còn phụ thuộc vào những cử chỉ hay còn gọi là ngôn ngữ cơ thể của bạn. Đó là giọng nói của bạn, là cách bạn ngồi…

Dưới đây là những lời khuyên của các chuyên gia ngôn ngữ cơ thể về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong cuộc phỏng vấn xin việc:

Những ấn tượng ban đầu

Khi bạn chào nhà tuyển dụng, hãy mỉm cười thật tươi cùng với ánh mắt “biết nói” và bắt tay với nhà tuyển dụng thật dứt khoát. Hãy nói với nhà tuyển dụng “Rất vui được gặp ông/bà” để thể hiện thái độ thân thiết.

Janine Driver, một chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể cho hay giao tiếp bằng mắt thể hiện thái độ tôn trọng và quan tâm. Bà khuyên các ứng viên nên nhìn vào phần giao giữa mũi và lông mày, không nên nhìn chằm chằm vào trán, môi và miệng của người đối diện.

Bàn tay và cánh tay

Driver cho biết cử chỉ khoanh tay thể hiện bạn là người khép kín, cử chỉ hai bàn tay đan xen thể hiện bạn cần được nhà tuyển dụng trấn an vì bạn đang lúng túng.

Do vậy, để thể hiện sự tự tin, ham học hỏi và cởi mở, Driver khuyên bạn nên mở rộng bàn tay và đặt trên bàn. Khi cơ thể của bạn được nới lỏng và thoải mái, người đối diện sẽ có niềm tin vào bạn. Đặc biệt, bạn nên tránh khoanh tay trước ngực, cử chỉ này cho thấy bạn là một người khép kín, luôn phòng vệ mọi người và không quan tâm đến mọi người xung quanh.

Vắt chân chữ ngũ

Bạn không nên ngồi ở tư thế vắt chân chữ ngũ. Theo Driver, cử chỉ này vô tình tạo một bức tường chắn giữa bạn và nhà tuyển dụng. Hơn nữa, nhiều nhà tuyển dụng khó tính sẽ rất phản cảm với cử chỉ này và họ đánh giá bạn là người mất lịch sự, thiếu tôn trọng với họ.

Tư thế

Bạn nên ngồi ở tư thế thẳng lưng trong suốt buổi phỏng vấn, vai nên đưa ra phía sau. Với tư thế như vậy, bạn sẽ thể hiện được sự tự tin của bạn và có thể thở tốt. Hơn nữa, ở tư thế này, ít nhất bạn có thể tránh và xoá bỏ cảm giác lo sợ, không thoải mái, gò bó.

Cử chỉ của những ngón tay

Chắc chắn rằng hầu như tất cả chúng ta đều không bao giờ để ý đến những cử chỉ của ngón tay trong buổi phỏng vấn nhưng đã đến lúc chúng ta nên từ bỏ ý nghĩ này. Driver cho rằng cử chỉ buông thõng những ngón tay thể hiện bạn là người ngạo mạn. Ngoài ra, Driver khuyên bạn không nên chỉ ngón tay trỏ về phía trước. Những cử chỉ như vậy cho thấy bạn là một người hết sức hiếu thắng.


Theo Vietnamnetjobs

in reference to:

"Ngôn ngữ cơ thể và cuộc phỏng vấn"
- http://tuyendung.com.vn/huongnghiep/viewarticle.aspx?itemId=4492 (view on Google Sidewiki)

Thursday 24 February 2011

6 hành vi tối kỵ nơi công sở



Nhảy múa trên bàn trong bữa tiệc mừng sinh nhật công ty, nhai kẹo nhóp nhép, ngủ gục trong cuộc họp và 6 hành vi dưới đây sẽ làm xấu đi rất nhiều hình ảnh của bạn trong mắt sếp và thậm chí sẽ đưa sự nghiệp của bạn tới bờ vực.

Hôn đồng nghiệp

Bạn có cảm tình với một đồng nghiệp sau một thời gian làm chung dự án. Trong một bữa tiệc tại công ty, bạn tận dụng tối đa không gian lãng mạn, vui vẻ và nhiệt náo để tán tỉnh họ. Và trong một phút giây thăng hoa, bạn hôn người ấy trước sự chứng kiến của cả công ty. Đây không phải là chuyện gì lạ lẫm. Một phần ba số người tham gia cuộc điều tra của trang web CareerBuilder thừa nhận đã từng hôn đồng nghiệp.

Lời khuyên dành cho bạn: Nếu bạn không thể kìm được lòng mình khi đứng trước người đồng nghiệp mà bạn yêu mến, ít nhất hãy cố gắng đợi cho đến khi bạn và người ấy đã nằm ngoài tầm ngắm của các đồng nghiệp khác.

Nói dối về thành tích của bản thân

Bạn có biết hàng ngày vẫn luôn có những CEO, ngôi sao và cả những nhân viên bình thường bị sa thải vì một lỗi phổ biến: Nói dối. Trong cuộc điều tra gần đây của CareerBuilder, một ứng viên đã “sáng tạo” ra một trường học không hề tồn tại, trong khi đó một ứng viên khác còn đi xa hơn nữa khi nộp các bản mẫu công việc của chính nhà tuyển dụng. 38% số người đang  đi  làm thừa nhận họ đã “trang điểm” thêm cho các trách nhiệm nghề nghiệp đã từng đảm nhiệm, 18% nói dối về kỹ năng và 10% nói dối về bằng cấp của mình.

Lời khuyên dành cho bạn: Dù về bất kỳ vấn đề gì, việc học tập, kinh nghiệm hay những người quản lý trước đây, gian dối không bao giờ là một ý kiến hay.

Mặc đồ “lạc lõng”

Đã bao nhiêu lần bạn được nghe câu: “Hãy mặc đồ cho công việc mà bạn muốn, không phải công việc mà bạn có”? Đã bao nhiêu lần câu thần chú này bị lãng quên nơi công sở? Bạn dĩ nhiên không thể tin được cô nhân viên marketing ở phòng bên cạnh đang có ý định tìm việc làm nơi vũ trường, vậy tại sao cô ấy lại mặc theo phong cách “thiếu vải” như vậy?

Ăn mặc không phù hợp không chỉ cho thấy rằng bạn không quan tâm tới hình ảnh chuyên nghiệp của mình, mà nó còn làm cánh cửa thăng tiến của bạn trở nên hẹp hơn. 41% số người đang đi làm cho biết những người ăn mặc chuyên nghiệp có xu hướng được thăng tiến nhanh chóng hơn so với những người khác.

Lời khuyên dành cho bạn: Hãy ghi nhớ và làm theo câu thần chú.

Buôn chuyện

Những tin đồn nơi công sở như hơi gas trên điều thuốc chưa tàn lửa, nó lan truyền rất nhanh. Trò chuyện để giảm stress và hạ nhiệt là một chuyện, nhưng tụ tập nói xấu về các đồng nghiệp hay về cấp trên lại là chuyện khác. Thật không may khi đó lại là hình ảnh quen thuộc trong hầu hết môi trường công sở.

Lời khuyên dành cho bạn: Những đồng nghiệp ưa ngồi lê đôi mách, phát tán những tin đồn thiếu thiện ý có thể làm ảnh hưởng tới môi trường làm việc. Hãy cố gắng tránh xa họ. Nếu không thể, ít nhất hãy im lặng trước các chủ đề nhạy cảm.

Quên tên

Bạn tham dự một cuộc họp với một khách hàng quan trọng, và điều tệ hại xảy ra khi bạn giới thiệu khách hàng đó với sếp mà không thể nhớ nổi tên của họ. Lỗi lầm nghiêm trọng đó không chỉ là tối kỵ. Nó còn là một kinh nghiệm đáng xấu hổ. Cách tốt nhất để vượt qua nó là hỏi vị khách hàng kia rằng họ đã gặp sếp của bạn, tên X, Y, Z, hay chưa. Sẽ may mắn cho bạn nếu vị khách hàng chủ động trả lời bằng cách giới thiệu tên của họ.

Lời khuyên dành cho bạn: Ai cũng có đôi lúc đãng trí, và việc quên tên người khác không phải là điều gì mới lạ. Để tự giải thoát khỏi tình cảnh éo le, bạn có thể áp dụng cách như nêu trên. Nếu sự việc không đi theo kế hoạch, hãy thẳng thắn nhận lỗi.

Gặp “tai nạn” với email

Vô tình nhấn “Send all”, gửi nhầm địa chỉ là những tai nạn nghề nghiệp thời @ rất dễ xảy ra trong một phút lơ đãng, thiếu tập trung. Và một phút đó có thể khiến bạn phải trả giá bằng chính vị trí công việc của bạn.

Lời khuyên dành cho bạn: Không bao giờ viết vào email những điều mà bạn không muốn cả thế giới biết. Ngoài ra, hạn chế tối đa việc sử dụng email. Hãy gặp mặt khi bạn muốn trao đổi những vấn đề quan trọng, tối mật hoặc riêng tư.

Monday 21 February 2011

5 tuyệt chiêu khiến cấp dưới "phục sát đất"



Không ít người khát khao muốn tạo ra những bước “đột phá” trong công việc, nhất là khi phải đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. Vậy thì 5 tuyệt chiêu sau đây sẽ giúp bạn thực hiện điều đó như mơ, khiến cấp dưới không thể không phục.

Kỹ năng thuyết trình là một trong những tuyệt chiêu khiến cấp dưới "phục"

1. Đảm nhiệm tốt cả những công việc “ngoài lề”

Một trong những cách đơn giản nhất để phân biệt lãnh đạo với cấp dưới chính là tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng đảm nhận cả những công việc khác thực chất không thuộc về mình, để từ đó học hỏi những kỹ năng mới, những thử thách nóng hổi, giúp bản thân dần hiểu rõ quy trình hoạt động cũng như hiện tượng xoay vòng của công ty, đồng thời rút thêm kinh nghiệm bản thân để có khả năng đưa ra chính xác chiến lược khi cần thiết.

Bạn có thể xuất phát từ những vấn đề nhỏ nhặt nhất, sau đó sẽ thấy rất thoải mái khi làm trưởng ban dự án lớn với nhiều ý tưởng hứa hẹn.

2. Hãy là một chuyên gia

Đồng nghiệp có thường xuyên đến xin ý kiến của bạn về chuyện phân công hay thảo luận các giải pháp liên quan đến những vấn đề phức tạp và áp lực không? Họ có mong muốn bạn phản hồi khi trình bày một khung sườn ý tưởng nào không? Nếu đúng như vậy, thì thật là tuyệt vì họ rất tôn trọng khả năng của bạn. Còn nếu không thì bạn phải xem lại chuyên môn của cá nhân mình.

Một ví dụ cụ thể: Nếu bạn là một lập trình viên, bạn phải am hiểu phần mềm tạo ra và có đầy đủ thông tin nhất về một lĩnh vực hoạt động của công ty để khi cấp dưới thắc mắc, bạn còn có thể giải thích cặn kẽ cho họ hiểu, thì mới đạt hiệu quả cao.

3. Mở rộng quan điểm

Hầu hết mọi giám đốc điều hành đều phải vạch ra kế hoạch tác chiến, và bạn cũng nên thường xuyên xây dựng chương trình mới để công ty có thể vươn xa nhất. Nếu vẫn còn phân vân điều gì đó, hãy hỏi cấp cao hơn để nắm bắt triệt để và truyền lại mạch lạc cho cấp dưới.

4. Luôn là một quân sư “khét tiếng”

Còn một cách nữa để nâng cao khả năng lãnh đạo chính là trở thành một nhà tư vấn lỗi lạc và uyên thâm. Chắc chắn đồng nghiệp trong công ty sẽ nhiều lúc phải xin ý kiến của cấp trên. Lúc đó hãy lấy bản lĩnh cũng như trải nghiệm công việc để chứng tỏ cho họ biết bạn là người có tài vượt trội. Thực ra khi đóng vai trò quan sư, bạn cũng sẽ thấy bản thân hưng phấn hơn rất nhiều, nhất là khả năng diễn giải, phân tích, thuyết phục, cũng như hợp tác cùng tiến với mọi người. Và làm như thế cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích tinh thần phấn đấu của họ, tăng hiệu suất làm việc.

5. Lắng nghe và thấu hiểu

Nhiều lãnh đạo xuất sắc nhất đều nhận thấy rằng không phải lúc nào họ cũng đưa ra được những câu trả lời. Vì vậy phải sẵn sàng lắng nghe người khác nói vì biết đâu đồng nghiệp lại khiến bạn nảy sinh thêm nhiều tư tưởng. Khi bạn trao đổi ngọn ngành với cấp dưới, tức là “3 cây chụm lại thành hòn núi cao”. Từ xưa đến nay, làm việc theo nhóm vẫn luôn đạt hiệu quả nhất. Do đó, phải thường xuyên họp tổ chức để đưa ra các chiến lược, lời khuyên, giải pháp hoàn hảo nhất. Tích cực lắng nghe chủ động khi gặp gỡ tất cả mọi người, nhất là ban quản trị để học hỏi lẫn nhau.

Kỹ năng lãnh đạo không phải một sớm một chiều đã có. Bạn phải luyện tập dần dần để đảm nhiệm và nhập cuộc thật tốt với những thử thách đối mặt phía trước, tự khẳng định bản thân khiến người ta ngưỡng mộ lẫn nể phục không ngớt lời.

Sunday 20 February 2011

6 cách giúp đi làm đúng giờ



Đi làm muộn là một thói quen xấu nhưng rất nhiều người mắc phải. Bạn có phải là một trong số đó? Bạn có muốn phá bỏ thói quen này không? Hãy làm theo những bước dưới đây.

1. Tôi luôn nhủ thầm trong đầu là mình sẽ không đi làm muộn nữa. Tự nhắc nhở bản thân như vậy tôi sẽ ý thức để đi làm sớm hơn. Có thể tôi chưa thực hiện được trong ngày một ngày hai nhưng nếu cứ thường xuyên nhắc nhở như vậy chắc chắn không lâu nữa tôi sẽ làm được.

2. Một cách để bạn bắt mình phải đi làm đúng giờ là rủ một người nào đó cùng đi làm với mình, bạn sẽ có động lực hơn và không cho phép mình đi muộn nữa.

3. Hãy thử cố gắng đi làm sớm trước 15 phút mỗi ngày và dành khoảng thời gian thừa đó để làm một số việc như dọn dẹp bàn làm việc, đọc sách, tập vài động tác thể dục văn phòng. Cảm giác thoải mái khi bắt đầu một ngày làm việc như vậy chắc chắn sẽ hấp dẫn bạn và bạn luôn muốn đi làm sớm vào những ngày sau.

4. Trừ khi có những lý do thực sự đặc biệt như bị đau bụng, con cái bị ốm, … còn không thì tôi sẽ không đưa ra những lý do vớ vẩn để biện hộ cho sự đi muộn của mình mà chỉ quy trách nhiệm lên ý thức của bản thân mà thôi. Đưa ra những lý do để biện hộ có thể sẽ khiến bạn càng ngày càng tìm được nhiều lý do hơn mà không cố gắng nỗ lực để thay đổi.

5. Tôi sẽ đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc, không thức khuya xem ti vi hay lướt net nữa. Làm như vậy tôi vẫn có thể dậy sớm mà không sợ bị buồn ngủ.

6. Hãy chuẩn bị sẵn đồ đạc để đi làm từ tối hôm trước trước khi đi ngủ. Điều này sẽ tiết kiệm cho bạn rất nhiều thời gian vào buổi sáng hôm sau. Bạn biết đấy, việc chọn lựa và là lượt quần áo khiến chúng ta mất rất nhiều thời gian.

5 bí quyết để thành công

Bạn đã nắm trong tay mình hành trang gì để thành công và thăng tiến trong sự nghiệp? Hành trang giúp bạn đạt được điều đó thật sự rất đơn giản. Bạn hãy xem mình đã sở hữu những yếu tố sau đây chưa nhé:


Tinh thần thép

Trong quá trình làm việc, chắc chắn bạn sẽ gặp phải nhiều lời phê bình lẫn phản đối từ cấp trên và đồng nghiệp. Đừng nản chí! Bạn phải biết đứng lên và học hỏi từ những vấp ngã đó. Hãy bình tĩnh giải quyết vấn đề và chứng tỏ năng lực của mình. Đối đầu một đôi lần với những lời phê bình sẽ giúp bạn trui rèn bản lĩnh và tinh thần thép để vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Mục tiêu hoài bão nhưng có thể đạt được

Nếu muốn sự nghiệp tiến xa, bạn cần có mục tiêu cụ thể cho mình. Tuy nhiên, “Vấn đề của chúng ta không phải là mục tiêu đặt ra quá cao và không thể với tới, mà là mục tiêu đó quá tầm thường và chúng ta có thể đạt được dễ dàng” (theo danh họa Michelangelo). Vì vậy hãy đặt cho bạn mục tiêu đầy hoài bão nhưng cần đảm bảo rằng bạn có kế hoạch cụ thể và khả thi để thực hiện. Đầu tiên, hãy xác định cho mình mục tiêu dài hạn; tiếp đó bạn sẽ phân thành những mục tiêu nhỏ hơn để có thể dễ dàng thực hiện được.

Sự tự tin

Người tự tin là người có nhiều cơ hội thành công nhất, cả trong công việc lẫn trong cuộc sống. Khi tự tin, bạn có thể vượt qua mọi khó khăn thách thức vì bạn luôn tâm niệm mình có thể “làm được”. Chẳng hạn bạn tự tin mình thật sự xứng đáng để yêu cầu được tăng lương hay thăng chức. Có thể bạn sẽ không đạt được ngay điều mong muốn, nhưng “thất bại là mẹ thành công”. Không chóng thì chầy bạn sẽ thành công nếu bạn kiên trì theo đuổi tới cùng mục tiêu của mình.

Khéo léo thể hiện thành tích bản thân

Đừng vùi đầu làm việc mà quên cả thể hiện thành tích của bạn một cách khéo léo. Nếu bạn vừa hoàn thành một dự án lớn, hãy viết email cám ơn những người đã tham gia (nhớ gửi một bản sao cho sếp). Đó là cách giúp bạn bày tỏ sự biết ơn đối với đồng nghiệp, và (điều này quan trọng hơn!) khéo léo làm nổi bật những thành tích của mình.

Noi gương những người thành công

Một đồng nghiệp hay cấp trên có thành tích và tài năng nổi bật chính là hình mẫu lý tưởng cho bạn. Hãy quan sát cách họ giải quyết một vấn đề nan giải hay cách họ đeo đuổi mục tiêu một cách quyết đoán và thành công như thế nào. Đó là những bài học vô giá để bạn học tập và rèn luyện theo.